Đà Lạt không chỉ nổi tiếng với những loài hoa mà mấy năm gần đây còn được nhiều người biết đến một món quà thú vị: đó là hồng treo gió.
Cây hồng có ở nhiều nơi, nhưng khi được trồng ở Đà Lạt, thì lại được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Trước đây, du khách đã từng thích thú với món hồng sấy, hồng khô bán rất nhiều ở chợ Đà Lạt. Tuy nhiên, mấy năm nay, hồng treo gió xuất hiện đã “chinh phục” được nhiều thực khách sành ăn.
Hồng treo gió (hay hồng treo Đà Lạt) là loại hồng được làm khô bằng gió tự nhiên và thường chỉ làm khô nhẹ. Nhờ đó hồng vẫn còn giữ được độ ẩm và mềm, khi thưởng thức vẫn thấy rõ mùi thơm của hồng hơn so với các loại hồng sấy, hồng làm khô bằng các phương pháp khác.
Hồng treo gió là sự kết hợp hoàn hảo từ những trái hồng Đà Lạt thơm ngon và công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản. Trải qua nhiều công đoạn với thời gian trung bình 30 ngày, để từ những trái hồng vàng ươm căng mọng còn chát biến thành những trái hồng vỏ se khô mỏng dính, ruột đặc quánh, vị chát được thay bằng vị ngọt thanh, thơm nhẹ mùi hồng chín.
Ngược dòng thời gian, vào năm 2012, những nông dân sản xuất hồng gió từ Nhật Bản và các chuyên gia nông nghiệp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã đến Đà Lạt hướng dẫn cho hơn 100 hộ nông dân phương pháp chế biến hồng chỉ dùng nắng và gió tự nhiên.
Theo đó, thay vì bán cho thương lái, sau khi thu hoạch hồng về, bà con rửa sạch và phân loại. Để làm hồng treo gió, cần chọn những trái hồng tươi, màu vàng cam, cứng, không dập, không có vết côn trùng cắn. Ngoài ra, quả hồng phải còn một đoạn cuống.
Sau đó tiếp tục được rửa bằng nước sạch. Đến công đoạn gọt vỏ hồng cũng cần đảm bảo làm sao gọt vỏ mỏng nhất và ko bị rụng cuống. Tiếp đó, trái hồng được vệ sinh sạch một lần nữa rồi đưa lên khay chuyển vào lò sấy khoảng 2 đến 3 tiếng đồng hồ. Sau khi sấy qua, hồng sẽ được treo lên bằng một sợi dây buộc vào cuống. Những quả hồng sẽ được treo cách nhau khoảng 25cm. Khoảng cách giữa các dây cũng cách nhau khoảng 25cm bảo đảm tỷ lệ hồng treo không quá dày để gió và ánh nắng đều vào được.
Sau khi một mẻ hồng được treo lên, người nông dân sẽ buộc một tờ lịch đánh dấu số ngày của mẻ hồng đó. Những quả hồng gió sau khoảng 15 ngày sẽ teo nhỏ lại.
Một công đoạn khá cầu kỳ nữa để có món hồng treo gió ngon, đó là đến khi sờ quả hồng sẽ thấy có độ mềm, màu sắc chuyển xuống cam đậm có sắc nâu (do nhựa của hồng tiết ra) thì phải đeo găng tay nylon vào (cả hai tay) và tiến hành “mát xa” cho quả hồng một cách nhẹ nhàng, để ruột hồng trở nên mềm hơn.
Trung bình, làm một mẻ hồng sấy cần tới 30 ngày. Để có được 1kg hồng treo gió cần khoảng 5-7 kg hồng tươi.
Được biết, ăn hồng treo gió của Đà Lạt có lợi cho tiêu hóa, giảm nguy cơ thiếu máu, bảo vệ tim mạch…
NGỌC HOA
Báo “Đại Đoàn Kết”