Ở D’ran (huyện Đơn Dương), mùa quả hồng chín đỏ, “thắp lửa” ở trên cây đã qua đi vài tháng, từ những ngày cuối thu. Nhưng có những vườn cây đặc biệt, cho tận đến những ngày cuối năm, khi đông tàn, xuân sang, trái mới trở mình ươm vàng đến vụ.
Quả hồng ở D’ran vốn nức tiếng vì độ thơm ngon, hồng cuối vụ nơi đây lại càng đặc biệt hơn không chỉ bởi hương vị mà đó còn là thành quả chăm bẵm của những ai biết kiên nhẫn chờ đợi đến ngày cây cho quả ngọt.
Hồng là loại cây một vụ, vì thế một vòng sinh trưởng của cây thường cho trái ngọt, cũng dễ hiểu bởi trái cây là kết tinh mặn ngọt của nắng mưa, của bốn mùa đi qua. Hồng thường đơm hoa vào đầu hè, hai tháng sau thì kết trái, dần ửng chín và rộ đỏ vào cuối tháng 9, tháng 10.
Cũng như ở Đà Lạt, hồng D’ran có nhiều loại, từ hồng vuông, hồng trứng, hồng lửa… Đầu mùa thì có Hồng Chín Nên, tiếp sau có quế hương, trứng lửa, Tư khiết, trứng đá (hồng giòn). Chín cuối mùa thì chỉ có vuông Đồng, loại dùng sấy hoặc ăn chín và thường được dùng giữ cho mùa. Theo cách nói của người D’ran thì “giữ cho mùa” có nghĩa là bằng nhiều cách họ sẽ hãm hoặc giữ cho vuông Đồng chín chậm để giữ cho mùa hồng không trôi đi quá nhanh. việc này đồng với nghĩa người trồng hồng vẫn có quả bán lai rai, cũng như có thêm thu nhập vì giá hồng lên cao.
Cũng giống như tất cả các loài hoa trái của vùng đất Nam Tây Nguyên, cây thường được ghép tên với người khai sinh ra nó. Vuông Đồng cũng không phải là ngoại lệ. Người nông dân Lâm Đồng vốn luôn nổi tiếng là những người “mai mối”, biết cách ươm ghép, “hôn phối” thành công cho nhiều loại cây một dòng khác giống về ở với nhau. Loại hồng vuông, được người nông dân tên Đồng tạo ra, nên cái tên cũng có từ đó.
Điều đặc biệt, vuông Đồng chỉ ra quả ngọt vào cuối vụ, nếu ai biết cách chăm, cây càng chín rộ vào những ngày cuối năm (lịch âm). Vuông Đồng cũng là loại cây kén đất, “khó ở”. Không phải tất cả thổ nhưỡng ở D’ran đều hợp với cây, chỉ có ở xóm Láng (bên rìa thị trấn) cây mới cho trái nhiều nhất theo đúng thời điểm.
Khi mùa hồng đã qua đi vài tháng, lúc mọi người vẫn còn chưa quên dư vị ngọt ngào mà hồng D’ran mang lại, cảm giác thèm xuất hiện, giá hồng tươi cuối vụ ít ỏi còn lại lên cao ngất ngưởng thì vuông Đồng bắt đầu chín.
Anh Trần Anh Đức, chủ 9 sào vuông Đồng chia sẻ: khi người làm hồng ở D’ran đã nghỉ ngơi ăn tết, thì vườn nhà anh lại là những ngày tất bật nhất. Bận rộn, nhưng bù lại vườn hồng cũng đem lại cho cả gia đình anh một khoản thu nhập đủ trang trải trong cả một năm. Vuông Đồng khi thu thường giá đã cao với 20 – 25.000đ/kg, vụ tết giá gần như gấp đôi, cả vườn nhà anh Đức với 40 tấn chia làm hai đợt hái cũng đem về cho anh gần 700 triệu đồng.
D’ran, mảnh đất lưng chừng giữa núi và biển là nơi cho quả hồng thơm ngon nhất. Hồng giống vuông Đồng lại như một đặc ân nữa mà tạo hóa ban tặng, của mồ hôi, công sức mà người dân bám đất nơi đây tạo ra. Mùa hồng chín giống như đang thắp lửa ở trên cây, thì vuông Đồng giống như những ngọn đèn để níu mùa ở lại.
LAM ANH – THÂN THU HIỀN
Theo “Báo Lâm Đồng”